Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

ANH HÙNG LÝ TỰ TRỌNG

LÝ TỰ TRỌNG SỐNG MÃI TÊN ANH


Lý Tự Trọng tên thật là Lê Văn Trọng. Quê gốc ở xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh nhưng lại sinh ra tại làng Bản Mạy, tỉnh NaKhon - Thái Lan trong một gia đình Việt kiều yêu nước có đông anh chị em ...



Lý Tự Trọng (1914 – 1931)
          Lý Tự Trọng tên thật là Lê Văn Trọng. Quê gốc ở xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh nhưng lại sinh ra tại làng Bản Mạy, tỉnh NaKhon - Thái Lan trong một gia đình Việt kiều yêu nước có đông anh chị em. Cha ông là Lê Hữu Đạt, mẹ là Nguyễn Thị Sờm. Năm 1923, chỉ mới 10 tuổi, Lý Tự Trọng được sang Trung Quốc học tập, học giỏi, nói thạo tiếng Hán và tiếng Anh. Ông hoạt động trong Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí.

          Năm 1929, Lý Tự Trọng về nước hoạt động với nhiệm vụ thành lập đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và làm liên lạc cho xứ uỷ Nam Kì với Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh làm liên lạc cho các đồng chí cộng sản ở nước ngoài qua các chuyến tàu đến cảng Sài Gòn. Ngày 09/02/1931, trong buổi kỷ niệm một năm cuộc bạo động Yên Bái, tên thanh tra mật thám Lơ Gơrăng chực nhảy tới bắt người đang giương cờ và diễn thuyết, Lý Tự Trọng đã nhảy ra bắn chết Lơ Gơrang. Lý Tự Trọng bị địch bắt, bị tra tấn hết sức dã man.
          Năm 1931, một ngày cuối xuân, thực dân Pháp đưa Lý Tự Trọng từ bót Catina đến tòa án để kết án anh tội tử hình. Người thanh niên cộng sản mới 17 tuổi ấy đã lấy vành móng ngựa để làm diễn đàn lên án bọn thống trị, kêu gọi nhân dân đứng dậy đấu tranh. Luật sư bào chữa cho anh xin tòa mở lượng khoan hồng vì anh chưa đến tuổi thành niên, đã hành động không có suy nghĩ.
           Lý Tự Trọng dõng dạc nói:
          - Tôi hành động không phải là không suy nghĩ. Tôi hiểu việc tôi làm. Tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác. Tôi tin rằng nếu các ông suy nghĩ kĩ thì các ông cũng cần phải giải phóng dân tộc, giải phóng những người cần lao như tôi.
          Chánh án, một tên quan cai trị thực dân tuyên án xử tử anh Trọng. Lý Tự Trọng vẫn bình tĩnh. Tên thực dân Pháp hỏi anh có ăn năn gì không; Lý Tự Trọng đứng trước vành móng ngựa, mặt thẳng phía trước chỉ nói một câu: "Không ăn năn gì cả!"
          Ở trong xà lim án chém khám lớn Sài Gòn, Lý Tự Trọng oanh liệt sống những ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Mọi chi tiết về người tù án chém "Trọng con" được những tên gác ngục, tên chủ khám truyền ra ngoài với một lòng cung kính, khâm phục: "Ông nhỏ ngày nào cũng tập thể dục! Nhìn ông nhỏ sống không ai tưởng tượng được là người đợi đến ngày lên máy chém".
           Gương mặt Lý Tự Trọng rắn rỏi và kiên nghị. Anh nhớ lại những ngày thơ ấu trên đất Xiêm, nơi cha mẹ anh vì trốn tránh sự khủng bố của đế quốc sang ẩn nấu ở bên kia bờ sông Cửu Long và sinh ra anh. Lý Tự Trọng tưởng như thấy lại các chiến sĩ Cộng Sản Trung Quốc bị Quốc dân đảng phản bội bắn chết hàng loạt bên bờ sông Châu Giang trên đất Quảng Châu sau ngày Công Xã Quảng Châu thất bại. Anh nhớ lại có lần cùng với các đồng chí lớn tuổi đi viếng mồ liệt sĩ Phạm Hồng Thái ở Hoàng Hoa Cương. Người thanh niên yêu nước Phạm Hồng Thái năm 1926 đã ôm bom vào giết tên toàn quyền Pháp MecLanh ở Tô Giới Pháp sau nhảy xuống sông Châu Giang để khỏi sa vào tay giặc.
Lý Tự Trọng bồi hồi nhớ lại lần đầu được đặt chân lên Ô Cấp, được về hoạt động trên đất nước thân yêu, những lúc vùi đầu vào các trang sách đầy hào hứng những lúc trò chuyện ngắn ngủi với các đồng chí ở cơ sở nhớ cả lúc bị sa vào tay giặc... Những đòn tra tấn của quân giặc không làm lay chuyển được ý chí của anh. Trong xà lim án chém, Lý Tự Trọng làm bạn với "Truyện Kiều" của Nguyễn Du. Cuốn này do vợ tên chủ khám biếu. Những câu thơ lục bát trong sáng, tài hoa của thi hào Nguyễn Du đã quyện lòng anh với tâm hồn hồn dân tộc.
          Lý Tự Trọng yêu đất nước, yêu đồng bào, yêu đồng chí của mình, anh càng yêu cuộc sống, sống trọn vẹn những năm tháng ngắn ngủi của đời mình không hề lãng phí, không để mầm bi quan len lỏi vào tâm hồn mình mặc dù biết mình sắp bị giặc đem hành hình. Bọn thực dân tìm cách lung lạc ý chí gang thép của anh, nhưng tất cả những lời dụ dỗ của chúng đều bị anh đánh bại.
        Bà Angđơrê Viôlít đã viết về giờ phút cuối cùng của Lý Tự Trọng: "Ngày 21/11/1931 thì Huy (tức là Trọng) bị đem xử tử. Sài Gòn hết sức xúc động. Hôm ấy phải ra lệnh thiết quân luật. Từ khám lớn vang ra ngoài đuờng phố, tiếng la hét của tù chính trị. Tiếng thét từ lồng ngực và từ trái tim của họ đã đi theo Huy ra trường chém. Phải điều quân đội và lính cứu hỏa để phun nước đàn áp họ. Trong những tường giam của khám lớn đã xảy ra những chuyện như thế. Trước máy chém, Huy định diễn thuyết, song hai tên sen đầm nhảy xô đến không cho anh nói. Người ta chỉ nghe thấy tiếng anh kêu "Việt Nam! Việt Nam!".



Quốc tế ca đã trở thành bài hát quen thuộc trong các thành phần cách mạng XHCN.
Nó đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ, kể cả tiếng Việt.
Người ta thường hát với tay phải nắm chặt giơ lên.
Đây cũng là bài mà anh hùng Lý Tự Trọng hát trước lúc hy sinh.


           Lý Tự Trọng trước khi lên máy chém mấy lần gọi "Việt Nam" thân yêu và đã hát nhiều lần bài "Quốc tế ca": "Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian!" và anh đã giữ vững ý chí chiến đấu đến phút chót của đời mình. Hơn 30 năm sau, ngày 15/10/1964, tại khám Chí Hòa, Nguyễn Văn Trỗi trước lúc hy sinh lại hô: "Việt Nam muôn năm!" - "Hồ Chí Minh muôn năm!".
          Trên thành phố Sài Gòn anh hùng, những câu nói giản dị và sâu sắc của những chiến sĩ tiêu biểu ở nhiều thế hệ ấy đã ngân vang từ những tâm hồn yêu nước nồng nhiệt và ý chí cách mạng kiên cường. Ngày nay, giữa thành phố Hồ chí Minh, con đường mang tên Lý Tự Trọng, chạy qua nơi anh từng bắn chết tên mật tám Lơ Gơrăng, anh vẫn như còn đó ở tuổi 17 hiên ngang, với tâm hồn trong sáng tràn ngập lòng yêu đời...

ĐH Sưu tầm

Share on Facebook Share on Twitter Share on Google Share on Buzz 

ANH HÙNG PHAN ĐÌNH GIÓT

Thứ Ba, 06/05/2014 - 09:27

Khoảnh khắc 

anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai

Dân trí Trong lúc “mưa bom bão đạn”, y tá Phạm Công Thành là người trực tiếp băng bó vết thương cho anh hùng Phan Đình Giót và chứng kiến giây phúc người anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai và hy sinh trước lô cốt địch.

Đã 60 năm sau chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, hầu hết những người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã già yếu, có những người đã đi xa. Nhưng những câu chuyện về một thời khói lửa, hào hùng vẫn được tái hiện lại qua lời kể của các nhân chứng lịch sử.
60 năm trước, ông Phạm Công Thành, hiện đang ở thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) là một chiến sĩ công an nhân dân. Khi thực dân Pháp đổ bộ xuống Điện Biên Phủ, người thanh niên này được đơn vị huy động ra chiến trường. Tiếp đó, ông được cử đi học 6 tháng về quân y và trở về công tác tại Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Tiểu đoàn quân y của ông Thành có nhiệm vụ cấp cứu và chuyển thương binh về tuyến sau.
Ông Phạm Công Thành, nguyên y tá chiến trường chiến dịch Điện Biên phủ năm 1954.

Ông Phạm Công Thành, nguyên y tá chiến trường chiến dịch Điện Biên phủ năm 1954.

Đối với ông Thành, kỷ niệm khó phai nhất trong thời gian làm công tác cứu chữa cho thương binh là trực tiếp băng bó vết thương cho anh hùng Phan Đình Giót. Dù đã 90 tuổi, nhưng khoảnh khắc chiến sĩ Phan Đình Giót ôm bộc phá, lấy thân mình lấp lỗ châu mai vẫn còn được ông nhớ như in.
Ông Thành hồi tưởng lại: “Đó là buổi chiều 13 tháng 3 năm 1954, bộ đội Đại đội 58 của ta mở màn trận đánh chiến dịch Điện Biên Phủ tại cứ điểm Him Lam. Cuộc chiến không cân sức giữa bộ đội ta và quân địch diễn ra vô cùng ác liệt.
Những trận “bão lửa” liên tiếp của địch trút xuống, bộ đội ta bị thương vong khá nhiều. Các chiến sĩ của ta phải giành giật đánh chiếm lấy từng cứ điểm, từng mỏm đồi trên Điện Biên Phủ.
Súng đạn của quân Pháp từ lỗ châu mai bắn ra xối xả, liên tiếp khiến nhiều chiến sĩ của ta liên tục hi sinh. Để đánh chiếm lấy những cứ điểm quan trọng, bộ đội ta đã chuyển sang dùng bộc phá để đánh lô cốt địch.
Trên chiến trường, chiến sĩ Phan Đình Giót cũng hừng hực khí thế đánh giặc như bao chiến sĩ khác. Cuộc giằng co kéo dài đến hơn 22 giờ đêm, khi anh Phan Đình Giót ôm quả bộc phá thứ 10 để nổ tung lô cốt địch thì bị thương vào đùi.
Lúc đó, bộ đội ta bị thương nhiều vô kể. Anh Giót được chuyển về phía sau, tôi là người trực tiếp băng bó vết thương. Do trên trận địa các dụng cụ y tế có hạn nên tôi tranh thủ băng bó nhanh cho anh Giót. Từng loạt đạn vẫn rít và bay qua trên đầu, nhưng khi vừa băng bó xong, máu chưa ngừng chảy thì Giót đã ôm hai quả bộc phá liên tiếp lao lên. Anh cầm theo tiểu liên xung phong mở đường cho đồng đội lên đánh lô cốt đầu cầu và lô cốt số 2”.
Mộ phần anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót được quy tập tại Nghĩa trang A1, TP Điện Biên Phủ hiện nay.

Mộ phần anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót được quy tập tại Nghĩa trang A1, TP Điện Biên Phủ hiện nay.

Theo ông Thành thì sau lần đó, anh Phan Đình Giót đã bị thương lần hai. Vết thương ở vai bị mất máu khá nhiều, đồng đội đã đưa anh lùi về sau. Lần này ông Thành lại tiếp tục là người cấp cứu cho anh hùng Phan Đình Giót, nhưng tình trạng sức khỏe của chiến sĩ Giót đã yếu đi trông thấy.
“Sau đó, hỏa lực của quân Pháp từ lô cốt số 3 bắn ra liên tiếp khiến cho đơn vị của ta bị dồn ứ lại. Nhiều chiến sĩ xung phong lao lên đều hi sinh trước họng súng của kẻ thù. Bất ngờ, tôi chỉ kịp nhìn thấy Phan Đình Giót vùng dậy, ôm bộc phá lao lên rồi bịt kín lỗ châu mai của quân địch, cách nơi anh đang băng bó khoảng 200m. Tiếng súng đạn bỗng im bắt, nhưng chiến sĩ Phan Đình Giót đã hi sinh, toàn thân anh bị bom đạn kẻ thù bắn nát” - y tá Thành rưng rưng xúc động kể.
Nam y tá lặng người đi trước giây phút người anh hùng Phan Đình Giót ôm bộc phá lao lên chiến đấu và hi sinh. Khi Giót lao mình vào “mưa đạn”, nhiều người đã cố cản nhưng không ngăn được khí thế hừng hực, căm thù cháy bỏng trong người thanh niên này.
Khi lỗ châu mai bị che lấp, hỏa điểm của quân Pháp bị dập tắt, bộ đội ta đã nhanh chóng xông lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam trong ngày 13 tháng 3. Đây là trận đánh mở màn thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Điện Biên được giải phóng, từ chiến trường, ông Thành được tiếp tục cử đi học bác sỹ và chuyển về sang công tác tại Cục Quân Y. Những năm sau giải phóng miền Nam Việt Nam, ông chuyển về Bộ Nông nghiệp công tác rồi nghỉ hưu.
“Công việc “hậu phương trên chiến trường” của tôi thường xuyên chứng kiến nhiều chiến sĩ hi sinh chỉ trong “nháy mắt”. Gia cảnh anh hùng Phan Đình Giót nghèo nên anh đã phải đi ở từ năm 13 tuổi. Giây phút chứng kiến anh hi sinh, đến giờ nhắc lại tôi vẫn không thể nén nổi xúc động. Đã 60 năm sau chiến dịch lịch sử khốc liệt ấy...” - ông Thành chia sẻ.
Quốc Cường - Xuân Thái

7 KỸ NĂNG GIÚP HỌC BÀI NHANH THUỘC, NHỚ LÂU

7 KỸ NĂNG ĐƠN GIẢN 

GIÚP HỌC BÀI NHANH THUỘC, NHỚ LÂU.

Rất nhiều bạn cứ than thở rằng “sao mình học mãi vẫn không thuộc bài” và đôi khi vào phòng thi hồi hộp quá nên “chẳng nhớ gì”.  Để học tập đạt kết quả cao, bên cạnh trí thông minh, sự chăm chỉ, chịu khó thì những kỹ năng cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Mỗi một môn học yêu cầu những kỹ năng khác nhau, nhưng đối với tất cả các môn học, đặc biệt là những môn học xã hội điển hình như văn, sử, địa,… thì kỹ năng để học bài sao cho nhanh thuộc mà nhớ lâu đóng một vai trò quan trọng.



1. Hiểu rõ nội dung vấn đề bạn cần học thuộc:

Đây là vấn đề đầu tiên và tiên quyết giúp bạn thuộc bài nhanh hơn. Nếu bạn không hiểu vấn đề thì bạn thuộc bài cũng chỉ như “học vẹt” mà thôi, suốt ngày cứ ê a “rắn là một loại bò, sát không chân” thì không những không đạt hiệu quả mà còn mất thời gian. Chính vì vậy, khi ở trên lớp, hãy cố gắng tiếp thu kiến thức được thầy cô truyền đạt, nắm rõ, hiểu đúng bản chất, chỗ nào không hiểu phải hỏi lại ngay và ghi chép cẩn thận. Làm như thế là bạn đã tiết kiệm được 50% thời gian học thuộc bài rồi đấy.

2. Trước khi học, hãy đọc một lượt nội dung từ trên xuống dưới, gạch dưới những từ, những ý quan trọng, có thể soạn lại bài và trình bày theo sở thích của bạn sao cho dễ học, dễ nhớ:

Nắm được nội dung bài học một cách toàn diện và khái quát như thế sẽ giúp bạn học bài nhanh thuộc hơn rất nhiều vì trong đầu bạn đã hình dung ra được kết cấu, những kiến thức trọng tâm cần nắm.

3. Chia nội dung bài học thành những mục nhỏ

Có một điều chắc chắn rằng việc bạn phân bài học thành những mục nhỏ tương ứng với nội dung cụ thể sẽ giúp bạn học thuộc bài nhanh hơn và tập trung được nhiều thời gian cho những phần khó thuộc, khó nhớ. Đây chính là phương pháp “chia nhỏ mục tiêu”, bạn sẽ thấy sau khi học thuộc được 1 mục, 1 ý bạn sẽ có thêm động lực, sự hào hứng để học tiếp những phần khác.

4. Vừa học vừa liên hệ thực tế để khắc sâu kiến thức

Đặc biệt là những sự kiện, ngày tháng năm trong các môn lịch sử hay những đặc trưng cơ bản của các vùng địa lý. Bạn có thể liên tưởng các sự kiện lịch sử gắn với những sự kiện mà bản thân bạn đã thuộc nằm lòng, hay nhớ về những chuyến du lịch, những ấn tượng mạnh mẽ của bạn về một vùng đất nào đó, nếu bạn ở Huế thì những đặc điểm về khí hậu, kinh tế, con người của vùng Bắc Trung Bộ là quá đơn giản với bạn rồi phải không nào, thêm vào đó những liên hệ thực tế còn cho bạn những ví dụ minh họa sinh động và sắc nét trong quá trình vận dụng làm bài nữa đấy.

5. Kết hợp vừa học vừa ghi

Đây là phương pháp giúp bạn nhớ bài vừa nhanh, vừa sâu, vừa có hệ thống, vừa tăng cường khả năng tập trung. Đối với những đoạn dài bạn vừa nhẩm bài vừa ghi ra nháp những chữ mang tính chất nội dung trọng tâm thôi nhé. Riêng những công thức, những định nghĩa bạn nên ghi lại từ 2-3 lần, có thể nhiều hơn để nhớ lâu, nhớ sâu hơn nhé.

 6. Tưởng tượng lại toàn bộ nội dung bài học sau khi học xong

Một khi đã thuộc bài bạn sẽ nhớ được rất rõ những đặc điểm về thứ tự cách sắp xếp các ý, thậm chí cả dấu chấm, dấu phẩy, ngắt câu nữa đấy. Chính vì vậy, việc bạn tưởng tượng lại toàn bộ nội dung bài học chỉ lấy đi của bạn vài phút nhưng lại giúp bạn nhớ kiến thức một cách sâu sắc hơn, đây chính là cứu cánh rất hữu hiệu trong những trường hợp do bạn quá hồi hộp khi làm bài thi, bài kiểm tra mà quên mất đi những gì đã học. Một khi đã nhớ ra được hình ảnh bài học trong tưởng tượng ấy bạn sẽ lần lượt nhớ lại từng câu từng chữ trong bài rất hiệu quả.

7. Không gian học đóng vai trò rất quan trọng

Đối với những môn học bài, một không gian học tập trung, không có người ra vào, yên tĩnh, ánh sáng vừa đủ đóng một vai trò rất quan trọng. Để học bài nhanh thuộc bạn cần có sự tập trung cao độ, vừa nắm nội dung chính toàn bài, vừa nhẩm bài, vừa ghi chép, vừa khắc sâu những kiến thức quan trọng, nếu không gian học quá ồn ào, người ra vào liên tục, thiếu ánh sáng bạn sẽ mất tập trung và học mãi…nhưng chẳng thuộc chữ nào.


Rất nhiều bạn cứ than thở rằng “sao mình học mãi vẫn không thuộc bài” và đôi khi vào phòng thi hồi hộp quá nên “chẳng nhớ gì”, áp dụng 7 kỹ năng trên đây sẽ giúp bạn giải quyết được hiệu quả vấn đề, thuộc bài nhanh hơn và nắm kiến thức sâu sắc hơn. Chúc bạn áp dụng thành công nhé.
Nguồn: st

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

HOẠT ĐỘNG NGOÀI GIỜ LÊN LỚP THÁNG 10/2017

            Với chủ điểm "Chăm ngoan học giỏi", chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp trong tháng 10 đã diễn ra hoạt động "Làm thế nào để học tốt" rất sôi nổi và ý nghĩa vào sáng thứ năm ngày 26/10. Qua hoạt động, các Đội viên đã được nghe một số tham luận từ các tổ về kế hoạch và phương pháp học tập sao cho hiệu quả,... Từ đó, mỗi cá nhân, tổ đều đã chia sẻ những kinh nghiệm để các bạn cùng nhau học tập. Đặc biệt, đợt hoạt động này lớp cũng đã tổ chức được sinh nhật cho các bạn có ngày sinh trong tháng 7,8,9 và 10 thật ấm áp. Mỗi thành viên có ngày sinh nhật đều được nhận những phần quà thật bất ngờ từ tập thể lớp trao tặng.








Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

NGOẠI KHÓA CỦA BỘ PHẬN Y TẾ VỀ PHÒNG BÊNH SỐT XUẤT HUYẾT


            Ngày 23/10 vừa qua, bộ phận Y tế đã thực hiện thành công buổi sinh hoạt ngoại khóa về Phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Buổi sinh hoạt đã giúp mọi người hiểu rõ nguyên nhân, cách phòng và chống bệnh sốt xuất huyết. Đồng thời qua đó cũng đã nâng cao ý thức thực hiện vệ sinh sạch sẽ trong môi trường. Với những câu hỏi được đặt ra liên quan đến dịch bệnh sốt xuất huyết, các các bạn học sinh đã tham gia một cách tích cực và sôi nỗi và đã nhận được những phần quà từ phía bộ phận Y tế 




Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA NGÀY THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM 20/10

Lịch sử dân tộc Việt Nam còn mãi ghi đậm dấu ấn chói ngời của những nữ anh hùng hào kiệt không chịu khuất phục kẻ thù, không chịu kiếp sống nô lệ, đứng lên chống giặc ngoại xâm giành tự do. Đó là Bà Trưng, Bà Triệu; Nữ tướng Bùi Thị Xuân, Bà Nguyễn Thị Định, Chị Út Tịch, ...Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nhất nên luôn có yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng. Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, phụ nữ Việt Nam đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, còn có nhiều phụ nữ nổi tiếng tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế....

Lịch sử ra đời Ngày Phụ Nữ Việt Nam (20/10)

Lịch sử và ý nghĩa ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10
Từ năm 1927 những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ như:
  • Năm 1927 nhóm các chị Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Thị Minh Lãng, Nguyễn Thị Thủy là ba chị em ở làng Phật Tích (Bắc Ninh) tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, các chị tuyên truyền, xây dựng tổ học nghề đăng ten và học chữ.
  • Nhóm chị Thái Thị Bôi có các chị Lê Trung Lương, Nguyễn Thị Hồng, Huỳnh Thuyên tham gia sinh hoạt ở trường nữ học Đồng Khánh.
  • Năm 1928, nhóm chị Nguyễn Thị Minh Khai cùng Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị An tham gia sinh hoạt hội đỏ của Tân Việt. Nhóm này liên hệ với chị Xân, chị Thiu, chị Nhuận, chị Liên thành lập tờ Phụ nữ Giải phóng ở Vinh.
  • Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.
Ngày 20/10 được xem là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam
Chính vì vậy, vào ngày 20 tháng 10 năm 1930Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập, để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là "Ngày phụ nữ Việt Nam".
Trong đấu tranh cách mạng, phụ nữ Việt Nam không chỉ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến mà chính họ còn là những chiến sỹ cách mạng kiên cường bất khuất, những nữ dân quân du kích, nữ thanh niên xung phong mở đường, tải gạo, tải đạn với ý chí quật cường, chịu đựng gian khổ với tinh thần lạc quan cách mạng, họ chăm sóc thương binh, đồng đội bằng tất cả tấm lòng yêu thương. Đó chính là chị Nguyễn Thị Minh Khai, chị Võ Thị Sáu, chị Lê Thị Hồng Gấm, chị Nguyễn Thị Định, Anh hùng liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm.....Còn có biết bao người phụ nữ thầm lặng, dung dị, mộc mạc; họ cống hiến cho đất nước những người con, người chồng vô cùng yêu quý; họ đã từng mòn mỏi chờ đợi người thân trong chiến tranh, để rồi họ cũng không còn đủ nước mắt khi những người thương yêu của họ không bao giờ trở về; Họ chính là những người mẹ, người bà, người chị của chúng ta. Họ là những người mẹ Việt Nam anh hùng!
Trải qua các thời kỳ cách mạng, vị trí, vai trò của phụ nữ được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao. Bác từng nói: “Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Trong bản Di chúc bất hủ để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Người viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”.
Phụ nữ đã là một phần không thể thiếu góp vào thành công của cách mạng Việt Nam, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong công cuộc xây dựng đất nước, phụ nữ đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Việt Nam luôn phấn đấu và trưởng thành về mọi mặt
85 mùa thu qua, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, người phụ nữ Việt Nam yêu nước ngày càng có tri thức, có sức khoẻ, càng năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng. Trong công cuộc đổi mới đất nước, những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam lại được tiếp tục khẳng định và phát huy mạnh mẽ. Các tầng lớp phụ nữ luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, tích cực thi đua, phấn đấu vươn lên đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ tài năng, điển hình tiêu biểu với những cống hiến xuất sắc trong lãnh đạo quản lý, nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh, xoá đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Việt Nam luôn phấn đấu và trưởng thành về mọi mặt, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện…Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao những nỗ lực phấn đấu và đóng góp to lớn của phụ nữ trong xây dựng gia đình và trong công cuộc xây dựng đất nước. Họ xứng đáng là những con người được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".
Những truyền thống, bản sắc tốt đẹp đó đã được các thế hệ phụ nữ Việt Nam kế thừa và phát huy. Có thể nói, đây không chỉ là niềm tự hào của riêng phụ nữ Việt Nam mà còn là một thứ tài sản quý báu của cả dân.
Cập nhật: 20/10/2017Theo hdu.edu.vn

Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

HỘI KHỎE PHÙ ĐỔNG CẤP TRƯỜNG

HỘI KHỎE PHÙ ĐỔNG CẤP TRƯỜNG
 Hòa chung không khí của cả nước đang chào đón năm học mới,  đồng thời hướng đến Hội khỏe phù đổng các cấp. Năm học này, trường THCS Lý Tự Trọng cũng đã tổ chức các nội dung thi đấu gồm: Cờ vua, bóng đá nam, nữ (k8,9); cầu lông và bơi lội. Các nội dung thi đấu là một đợt hoạt động thể dục thể thao sôi nổi đến từ các lớp tham gia. Chúng ta hy vọng qua Hội khỏe Phù Đổng lần này, sẽ kịp thời biểu dương, động viên phong trào"khỏe để học tập" ở các lớp.
    Sau đây là một số hình ảnh:



Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

TỔ NGỮ VĂN - THƯ VIỆN NGOẠI KHÓA 20/10

             Hôm nay, ngày 16/10/2017, Tổ ngữ văn - Thư viện Trường THCS Lý Tự Trọng tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khoá chào mừng 87 năm ngày Thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20.10 (20.10.1930-20.10.2017). Buổi sinh hoạt nhằm ôn lại truyền thống PNVN 20.10,  khắc sâu cho học sinh hình tượng người Phụ nữ Việt Nam qua các tác phẩm văn học. Đồng thời buổi ngoại khoá đã mang lại cho các em học sinh, những người tham dự một không khí vui tươi, hấp dẫn qua các tiết mục văn nghệ, các tiết mục thể hiện năng khiếu của học sinh,..đã góp phần đem lại buổi ngoại khoá đầy ý nghĩa.






Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

VUI TRUNG THU 2017

Chiều nay (ngày 3/10/2017, nhằm ngày 14 tháng 8 âm lịch), trên sân trường THCS Lý Tự Trọng đã có màn trình diễn Lân Sư Rồng chào đón Trung thu 2017. Dù thời tiết không được thuận lợi nhưng sự hò reo của các bạn học sinh vì thích thú chào đón đội Lân Sư Rồng ấy .đã làm cho Tết trung thu thêm phần ấm áp




 



           Trong giờ sinh hoạt lớp chiều nay (18/11/2017), sau khi nghe báo cáo sơ kết tuần và công tác đến, tập thể đã có buổi tiệc nho nh...