ANH HÙNG PHAN ĐÌNH GIÓT

Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót

Anh sinh nǎm 1922 ở làng Tam Quang, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình rất nghèo. Bố bị chết đói. Anh phải đi ở từ năm 13 tuổi cực nhọc, vất vả. Cách mạng tháng Tám thành công, anh tham gia tự vệ chiến đấu, đến năm 1950, anh xung phong đi bộ đội chủ lực. Trong cuộc sống tập thể quân đội, Phan Đình Giót luôn tự giác gương mẫu về mọi mặt, hết lòng thương yêu giúp đỡ đồng đội, sẵn sàng nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho bạn nên được đồng đội mến phục. Phan Đình Giót tham gia nhiều chiến dịch lớn như: Trung Du, Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên Phủ.

Anh hùng Liệt sĩ Phan Đình Giót (1922-13/3/1954), Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (truy phong; 31/3/1955), Khi hy sinh anh là Tiểu đội phó bộ binh Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Huân chương Quân công hạng Nhì.
Mùa đông năm 1953, đơn vị anh được lệnh tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Hành quân gần 500 km, vượt qua nhiều đèo dốc, mang vác nặng nhưng đồng chí vẫn kiên trì, giúp đồng đội về tới đích. Trong nhiệm vụ xẻ núi, mở đường, kéo pháo lên đèo xuống dốc vào trận địa rất gay go gian khổ, anh đã nêu cao tinh thần gương mẫu, bền bỉ và động viên anh em kiên quyết chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên.
Chiều ngày 13 tháng 3 năm 1954, quân ta nổ súng tiêu diệt Him Lam. Cả trận địa rung chuyển mù mịt sau nhiều loạt pháo ta bắn chuẩn bị.
Các chiến sỹ đại đội 58 lao lên mở đường, đã liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ tám. Phan Đình Giót đánh quả thứ chín thì bị thương vào đùi nhưng vẫn xung phong đánh tiếp quả thứ mười. Quân Pháp tập trung hoả lực trút đạn như mưa xuống trận địa ta. Đồng đội bị thương vong nhiều.

Lửa căm thù bốc cao, anh lao lên đánh liên tiếp hai quả nữa phá toang hàng rào cuối cùng, mở thông đường để đồng đội lên đánh sập lô cốt đầu cầu. Lợi dụng thời cơ địch đang hoang mang, Phan Đình Giót vọt lên bám chắc lô cốt số 2, ném thủ pháo, bắn kiềm chế cho đơn vị tiến lên. Anh lại bị thương vào vai, máu chẩy đầm đìa. Nhưng bất ngờ từ hoả điểm lô cốt số 3 của lính Pháp bắn rất mạnh vào đội hình ta. Lực lượng xung kích bị ùn lại, Phan Đình Giót cố gắng lê lên nhích dần đến gần lô cốt số 3 với ý nghĩ cháy bỏng, duy nhất là dập tắt ngay lô cốt này. Anh đã dùng hết sức mình còn lại nâng tiểu liên lên bắn mạnh vào lỗ châu mai, miệng hô to:
"Quyết hy sinh…vì Đảng…vì dân!!.." rồi rướn người lấy đà, lao cả thân mình vào bịt kín lỗ châu mai địch. Hoả điểm lợi hại nhất của quân Pháp đã bị dập tắt, toàn đơn vị ào ạt xông lên như vũ bão, tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi hy sinh, Phan Đình Giót đã được Tiểu đoàn, Đại đoàn khen thưởng 4 lần.
www.quansuvn.net

Thứ Ba, 06/05/2014 - 09:27

Khoảnh khắc anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai

Dân trí Trong lúc “mưa bom bão đạn”, y tá Phạm Công Thành là người trực tiếp băng bó vết thương cho anh hùng Phan Đình Giót và chứng kiến giây phúc người anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai và hy sinh trước lô cốt địch.

Đã 60 năm sau chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, hầu hết những người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã già yếu, có những người đã đi xa. Nhưng những câu chuyện về một thời khói lửa, hào hùng vẫn được tái hiện lại qua lời kể của các nhân chứng lịch sử.
60 năm trước, ông Phạm Công Thành, hiện đang ở thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) là một chiến sĩ công an nhân dân. Khi thực dân Pháp đổ bộ xuống Điện Biên Phủ, người thanh niên này được đơn vị huy động ra chiến trường. Tiếp đó, ông được cử đi học 6 tháng về quân y và trở về công tác tại Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Tiểu đoàn quân y của ông Thành có nhiệm vụ cấp cứu và chuyển thương binh về tuyến sau.
Ông Phạm Công Thành, nguyên y tá chiến trường chiến dịch Điện Biên phủ năm 1954.

Ông Phạm Công Thành, nguyên y tá chiến trường chiến dịch Điện Biên phủ năm 1954.
Đối với ông Thành, kỷ niệm khó phai nhất trong thời gian làm công tác cứu chữa cho thương binh là trực tiếp băng bó vết thương cho anh hùng Phan Đình Giót. Dù đã 90 tuổi, nhưng khoảnh khắc chiến sĩ Phan Đình Giót ôm bộc phá, lấy thân mình lấp lỗ châu mai vẫn còn được ông nhớ như in.
Ông Thành hồi tưởng lại: “Đó là buổi chiều 13 tháng 3 năm 1954, bộ đội Đại đội 58 của ta mở màn trận đánh chiến dịch Điện Biên Phủ tại cứ điểm Him Lam. Cuộc chiến không cân sức giữa bộ đội ta và quân địch diễn ra vô cùng ác liệt.
Những trận “bão lửa” liên tiếp của địch trút xuống, bộ đội ta bị thương vong khá nhiều. Các chiến sĩ của ta phải giành giật đánh chiếm lấy từng cứ điểm, từng mỏm đồi trên Điện Biên Phủ.
Súng đạn của quân Pháp từ lỗ châu mai bắn ra xối xả, liên tiếp khiến nhiều chiến sĩ của ta liên tục hi sinh. Để đánh chiếm lấy những cứ điểm quan trọng, bộ đội ta đã chuyển sang dùng bộc phá để đánh lô cốt địch.
Trên chiến trường, chiến sĩ Phan Đình Giót cũng hừng hực khí thế đánh giặc như bao chiến sĩ khác. Cuộc giằng co kéo dài đến hơn 22 giờ đêm, khi anh Phan Đình Giót ôm quả bộc phá thứ 10 để nổ tung lô cốt địch thì bị thương vào đùi.
Lúc đó, bộ đội ta bị thương nhiều vô kể. Anh Giót được chuyển về phía sau, tôi là người trực tiếp băng bó vết thương. Do trên trận địa các dụng cụ y tế có hạn nên tôi tranh thủ băng bó nhanh cho anh Giót. Từng loạt đạn vẫn rít và bay qua trên đầu, nhưng khi vừa băng bó xong, máu chưa ngừng chảy thì Giót đã ôm hai quả bộc phá liên tiếp lao lên. Anh cầm theo tiểu liên xung phong mở đường cho đồng đội lên đánh lô cốt đầu cầu và lô cốt số 2”.
Mộ phần anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót được quy tập tại Nghĩa trang A1, TP Điện Biên Phủ hiện nay.

Mộ phần anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót được quy tập tại Nghĩa trang A1, TP Điện Biên Phủ hiện nay.
Theo ông Thành thì sau lần đó, anh Phan Đình Giót đã bị thương lần hai. Vết thương ở vai bị mất máu khá nhiều, đồng đội đã đưa anh lùi về sau. Lần này ông Thành lại tiếp tục là người cấp cứu cho anh hùng Phan Đình Giót, nhưng tình trạng sức khỏe của chiến sĩ Giót đã yếu đi trông thấy.
“Sau đó, hỏa lực của quân Pháp từ lô cốt số 3 bắn ra liên tiếp khiến cho đơn vị của ta bị dồn ứ lại. Nhiều chiến sĩ xung phong lao lên đều hi sinh trước họng súng của kẻ thù. Bất ngờ, tôi chỉ kịp nhìn thấy Phan Đình Giót vùng dậy, ôm bộc phá lao lên rồi bịt kín lỗ châu mai của quân địch, cách nơi anh đang băng bó khoảng 200m. Tiếng súng đạn bỗng im bắt, nhưng chiến sĩ Phan Đình Giót đã hi sinh, toàn thân anh bị bom đạn kẻ thù bắn nát” - y tá Thành rưng rưng xúc động kể.
Nam y tá lặng người đi trước giây phút người anh hùng Phan Đình Giót ôm bộc phá lao lên chiến đấu và hi sinh. Khi Giót lao mình vào “mưa đạn”, nhiều người đã cố cản nhưng không ngăn được khí thế hừng hực, căm thù cháy bỏng trong người thanh niên này.
Khi lỗ châu mai bị che lấp, hỏa điểm của quân Pháp bị dập tắt, bộ đội ta đã nhanh chóng xông lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam trong ngày 13 tháng 3. Đây là trận đánh mở màn thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Điện Biên được giải phóng, từ chiến trường, ông Thành được tiếp tục cử đi học bác sỹ và chuyển về sang công tác tại Cục Quân Y. Những năm sau giải phóng miền Nam Việt Nam, ông chuyển về Bộ Nông nghiệp công tác rồi nghỉ hưu.
“Công việc “hậu phương trên chiến trường” của tôi thường xuyên chứng kiến nhiều chiến sĩ hi sinh chỉ trong “nháy mắt”. Gia cảnh anh hùng Phan Đình Giót nghèo nên anh đã phải đi ở từ năm 13 tuổi. Giây phút chứng kiến anh hi sinh, đến giờ nhắc lại tôi vẫn không thể nén nổi xúc động. Đã 60 năm sau chiến dịch lịch sử khốc liệt ấy...” - ông Thành chia sẻ.
Quốc Cường - Xuân Thái
➤➤➤➤➤➤➤➤➤➤➤➤➤➤➤➤➤➤➤➤➤➤➤

Hình ảnh cuối của anh hùng Phan Đình Giót trong mắt em trai

  • 11
 “Nghĩ lại mà tôi vẫn còn rơi nước mắt, lúc anh ấy lên đường, chỉ mặc chiếc áo rách", cụ Phan Đình Giát kể về khoảnh khắc cuối cùng được nhìn thấy người anh trai của mình.

Những ngày tháng 5 lịch sử, cả nước đều hướng về lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, người dân từ nhiều địa phương đổ về nơi từng diễn ra trận địa để thắp nén hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho tổ quốc. Tại quê nhà của liệt sĩ Phan Đình Giót (xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), chính quyền, người thân liệt sĩ cùng đang gấp rút tu sửa lại các công trình để đón các đoàn về thăm.
Chúng tôi gặp cụ Phan Đình Giát (95 tuổi, em trai liệt sĩ Phan Đình Giót) trong căn nhà nhỏ đơn sơ, ký ức về người anh trai ùa về khiến cụ không cầm nổi nước mắt.
Theo lời kể của cụ Giát, lúc Phan Đình Giót 3 tuổi, ông Giát 1 tuổi, họ đã phải mồ côi cha (cụ Phan Đình Bân), một mình người mẹ là cụ Nguyễn Thị Thau hàng ngày đi mót khoai, lúa, cuốc thuê, làm mướn nuôi hai anh em khôn lớn. Năm 12 tuổi, hai anh em Phan Đình Giót đã phải xa mẹ để đi ở đợ cho gia đình ông Học (là một địa chủ trong làng).
“Thời đó, anh Giót đi ở cho nhà ông Học trước, sau đó thấy tôi ở nhà một mình nên anh ấy xin cho tôi đến ở cùng. Cũng may gia đình họ thương hai anh em nên chúng tôi vẫn được ở bên nhau”, cụ Giát nhớ lại.
Đi ở được một thời gian, Phan Đình Giót cưới vợ trong làng là bà Nguyễn Thị Ran. “Nói là cưới vậy thôi chứ không tổ chức gì cả, chỉ là sang nói chuyện rồi đưa chị ấy về ở cùng chứ đâu có tiền mà tổ chức”, cụ Giát kể.
Sau đó, bà Ran sinh được một người con trai nhưng đứa bé mất đi khi mới 7 tháng tuổi. Năm 1952, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, Phan Đình Giót chia tay mọi người trong gia đình để lên đường nhập ngũ.
“Nghĩ lại mà tôi vẫn còn rơi nước mắt, lúc anh ấy lên đường, chỉ mặc chiếc áo rách. Cũng may tôi có một bộ quần áo gụ mà gia đình đi ở may cho nên mới đưa cho anh ấy mặc.
Cụ Giát cầm trên tay tấm hình duy nhất của người anh trai.
Cụ Giát cầm trên tay tấm hình duy nhất của người anh trai.
Ngày anh lên đường, mẹ tôi cũng tất tả chạy đi vay mượn khắp nơi được 1 kg gạo về thổi cơm cho anh ấy ăn. Mọi người chỉ dám ăn một bát, còn lại dùng mo cau đùm lại để anh có cái ăn khi đi dọc đường”, cụ Giát vẫn nhớ như in ngày anh mình vào quân ngũ.
Những ngày tháng sau đó, cứ đều đặn 2 tháng một lần, Phan Đình Giót lại viết thư gửi về cho người thân để hỏi thăm sức khỏe, thông báo địa điểm đóng quân. Trong thư ông cũng dặn dò cụ Giát cố gắng lao động phụ giúp mẹ già. Phan Đình Giót đâu biết rằng khi anh lên đường nhập ngũ thì cụ Thau cũng phải đi ở, giữ con cho người khác.
Rồi bẵng đi mấy tháng không thấy anh biên thư về, mọi người trong gia đình ai cũng lo lắng. Bỗng một hôm, cụ Giát nhận được tin của anh trai. Trời đất như sụp đổ khi lần này là tin dữ. Người đồng đội cùng xã tên là Vũ Đình Sờ viết thư về báo tin anh hùng Phan Đình Giót đã hy sinh trong lúc chiến đấu.
Cố lấy hết sức bình tĩnh, cụ Giát chạy đi báo tin cho mẹ (lúc đó đang đi ở mướn nhà làng dưới), nhưng cụ chỉ dám nói: "Mẹ về gấp, vợ con sắp sinh rồi". Về tới nhà, nghe tin con trai hy sinh, cụ Thau khóc nức nở, ngất đi vì thương con.
Hơn một năm sau đó, cụ Thau vì đau buồn sinh ra bệnh tật rồi mất đi. Kỷ vật của người anh trai là những lá thư cũng được cụ Giát đốt đi vì cứ nhìn vào là nhớ đến anh khiến cụ không cầm nổi nước mắt. Vợ liệt sĩ Phan Đình Giót một thời gian sau cũng đi thêm bước nữa với người đàn ông khác.
Những kỷ vật của anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót đang lưu giữ tại nhà lưu niệm của Nghĩa trang liệt sĩ xã Cẩm Quan.
Những kỷ vật của anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót đang lưu giữ tại nhà lưu niệm của Nghĩa trang liệt sĩ xã Cẩm Quan.
Theo cụ Giát thì lúc đầu gia đình không biết anh trai hy sinh như thế nào. Sau khi hòa bình lập lại, ông Lê Quang Nghiêm (người xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên - đã mất) là Trung đội trưởng, trực tiếp chiến đấu cùng với Phan Đình Giót kể lại là "đồng chí Giót dù bị thương nhưng vẫn cố trườn về phía trước, lấy thân mình lấp lỗ châu mai để đồng đội tiến lên chiến đấu với quân thù".
Về phần cụ Giát, sau khi anh trai lên đường nhập ngũ, cụ cũng xây dựng gia đình với một người bạn đi ở và sinh được người con gái tên là Phan Thị Nhự. Hiện tại bà Nhự đang chăm lo cho cụ Giát và phụ giúp việc hương khói trên bàn thờ của liệt sĩ Phan Đình Giót.
Chính quyền địa phương cho hay, sau khi anh hùng Phan Đình Giót hy sinh, chiến tranh kết thúc, họ nhận được một số kỷ vật như ống đựng cơm, bi đông đựng nước, khẩu súng... của liệt sĩ. Hiện số kỷ vật này đang được cất giữ cẩn thận tại phòng trưng bày của nghĩa trang liệt sĩ xã.
Cụ Giát cho biết mình cũng đã 3 lần được ra thăm chiến trường Điện Biên Phủ, nơi năm xưa anh trai đi chiến đấu. Lần gần nhất là cách đây 10 năm. “Mỗi lần đứng trước mộ anh trai để thắp nén nhang, tôi đều không cầm nén được cảm xúc, những giọt nước mắt không ngừng rơi. Anh Giót luôn là niềm tự hào không chỉ cho cả gia đình tôi mà cả làng xóm, chính quyền xã, huyện nơi anh ấy sinh sống". 
Nguồn: Zing.vn


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

           Trong giờ sinh hoạt lớp chiều nay (18/11/2017), sau khi nghe báo cáo sơ kết tuần và công tác đến, tập thể đã có buổi tiệc nho nh...